Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Lời phát biểu của thầy Phan Trọng Tảo

Tại buổi gặp mặt Cựu cán bộ, giáo viên, học sinh trường Thiếu sinh quân B Ba
Buôn Mê Thuột, ngày 10/6/2012

          Kính thưa quý vị đại biểu!
          Thưa tất cả các em thân mên!
          Trước khi phát biểu cảm tưởng của mình tôi xin được thay mặt các thầy giáo từ Bắc vào nhiệt liệt chào mừng, chúc sức khỏe và lời thăm hỏi ân cần đến quý vị, các em và gia quyến; Tôi cũng xin được đề nghị quý vị và tất cả các em để một phút tịnh tâm, tưởng nhớ các bác, các cô chú, các thầy và các em hôm nay không còn nữa để cùng chúng ta trong cuộc gặp mặt hiếm hoi, quý báu này.
Thưa quý vị đại biểu, thưa tất cả các em! Tất cả chúng ta hôm nay tề tựu đầm ấm ở đây đều đã trải qua một thời gian chiến tranh ác liệt, gian khổ và hi sinh của Chiến trường Tây Nguyên, của Chiến trường B Ba gần 40 năm về trước. Ngày đó các thầy là những chú Bộ đội - những thầy giáo chiến sĩ theo đúng nghĩa đen của nó. Ngày đó các thầy còn là những cậu thanh niên, hai lăm, ba mươi tuổi, còn son trẻ, khỏe mạnh. Các em là những cháu học sinh còn bé dại, có em còn nhớ mẹ, nhớ nhà, có khi còn bỏ trốn về quê, về bản, nhà trường phải vất vả lắm mới tìm kiếm được và để động viên các em trở lại trường tiếp tục học tập. Thầy còn nhớ như in và bồi hồi xúc động về những ngày ta sống ở Trường Thiếu sinh quân Tây Nguyên: Đó là những ngày cả thầy và trò cùng vào rừng đẵn cây làm lán ở, dựng lán để làm lớp học, cùng lên nương trồng sắn, hái rau, gùi măng, chặt củi, nuôi heo; Đêm đêm đốt Cà boong bập bùng lửa trại, gõ Tơ rưng, vỗ Crông bút, cùng hát, cùng múa,  những điệu Rock, Híp hóp vang động núi rừng, nơi thẳm sâu bình yên ta sống, giảng dạy và học tập. Cũng giữa đại ngàn mênh mông, sâu thẳm ấy chỉ có thầy và trò, chú và cháu, như anh em con một nhà, cùng chung lưng đấu cật vật vả với những cơn sốt rừng, những mùa khô khát nước, những bữa ăn nhạt muối, vơi cơm, những hiểm họa thiên tai, địch họa khác... Với thầy thì đây là lứa học trò đặc biệt trong cuộc đời dạy học của mình và tất nhiên với các em thì đây cũng là những người thầy đặc biệt trong cuộc đời học sinh của mình. Thế mà thắm thoắt đã 40 năm, nửa đời người gian khổ mà oanh liệt chóng vánh vèo trôi, như bóng câu qua cửa. Thầy Hòa, thầy Lệ, một số cô chú và một số em trong chúng ta đã về cõi Thiên thu. Chao ôi thương nhớ và thương nhớ khôn nguôi!
          Các bác Nhẫn, bác Nhâm, bác Phan, cô Y Nay, cô Y Ninh, các cô chú khác và bao nhiêu bạn bè khác nữa của chúng ta ngày ấy bây giờ ở đâu trên cõi đời mênh mông, bất tận này, ai còn, ai mất? Câu hỏi: ai ở đâu và bao giờ gặp lại cứ đau đáu một nỗi niềm, đau đáu một sự chờ mong trong thương nhớ không cùng!
          Một chặng đường dài 40 năm bặt vô âm tín, vời vợi ngóng tìm nhau, có lắm lúc nghĩ thầm việc gặp lại nhau là vô vọng, là mơ hồ. Thế mà quả đất tròn, chúng ta còn có cơ hội quý hóa và may mắn được gặp lại nhau hôm nay. Đúng là:"Rằng: bây giờ mới tới đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai". Hôm nay gặp gỡ được đa số và tương đối đông đủ các em ở đây thực sự thầy cố giấu đi cái xúc động yếu đuối của lòng mình, gạt đi giọt nước mắt thầm kín, ủy mị, ấm nồng của ngày gặp mặt để mà gặp gỡ, để mà tâm sự, để mà vui cái vui của ngày hội ngộ vô cùng xúc động này.
          Có được cuộc gặp mặt này, trước hết xin trân trọng cảm ơn thầy Nguyễn Huỳnh Sơn đã kết nối điện thoại liên lạc giữa các thầy ngoài Bắc với các thầy và các em ở


Tây Nguyên. Cảm ơn các thầy Nguyễn Văn Tư, Võ Đức Thuận, các em Nguyễn Thị Hồng Toan, Y Pôn, Nguyễn Văn Dân và một số em khác ở ĐăkLăk; Các em Hồ Thị Chiêu, Trần Tâm và các em ở Gia Lai; Các em Phạm Văn Phú, Nguyễn Thanh Lâm, Lưu Thị Nhàn và các em ở Kon Tum và các thành viên tích cực khác đã dày công, liên lạc, kết nối từ nhiều tỉnh, trong cả một thời gian dài, rồi đề xuất ý tưởng, rồi lên kế hoạch, chuẩn bị, lên chương trình, kịch bản, nội dung, lo hậu cần và những đảm bảo khác cho cuộc hội ngộ lịch sử hôm nay.
          Thưa quý vị, thưa tất cả các em! Năm 1973, cả miền Nam đang rừng rực lửa chiến tranh, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, là bàn đạp để tiến xuống đồng bằng, giữa địa bàn xung yếu ấy Tiểu đoàn Văn hóa, thuộc trường Quân chính B Ba được thành lập, việc làm đó cho ta thấy Chiến lược Con người của Đảng và Nhà nước ta sáng suốt như thế nào. Tiểu đoàn Văn hóa, chính là trường Thiếu sinh quân, là
nơi "ươm trồng những hạt giống đỏ" của Quân đội, của Cách mạng. Được biết và rất đỗi vui mừng vì tất cả các em đều đã trưởng thành, tuy mức độ có khác nhau, đó là tất yếu của cuộc sống, của cuộc đời mỗi người. Ta thật sự tự hào về mái trường thân yêu của mình, tự hào về những người từ đây mà trưởng thành, mà trở thành những yếu nhân của lịch sử, của quê hương như đồng chí Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lăk của tỉnh ta và nhiều người khác nữa. Tuy nhiên theo thầy được biết bên cạnh đó cũng có một số em trong chúng ta, cũng vì những điều kiện riêng, những hoàn cảnh riêng hiện đang đối mặt với những khó khăn, cam go, vất vã. Đặc biệt một số em trong chúng ta đã không còn cho đến ngày hôm nay để cùng hòa vui giữa ngày gặp mặt, xin cho thầy có lời an ủi, thăm hỏi, cảm thông, và chia sẻ.
          Thưa quý vị khách quý, thưa tất cả các em! Tôi thật sự bồi hồi mà nói rằng: "tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại", muốn mãi mãi hát lên câu:"nếu có ước muốn trong cuộc đời
này/ hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại" để chúng ta trẻ mãi với những kỷ niệm
xưa, những kỷ niệm có một không hai trong cuộc đời của mỗi chúng ta ở đây. Dẫu biết rằng "gặp nhau lần nào cũng vội", cuộc vui nào rồi cũng có hồi kết thúc, nhưng sao mà cứ nuối tiếc mãi, sau cuộc hội ngộ quý hóa này, ngày mai chúng ta lại mỗi người mỗi ngã, lại nhớ nhung nuối tiếc, lại mong có cơ hội để được gặp lại nhau, riêng các thầy ở Bắc vào lại nuối tiếc nhiều hơn, vì đường sá xa xôi, gặp được nhau mấy tiếng đồng hồ là chưa thỏa mãn cơn khao khát, canh cánh lòng lâu nay, Bởi với các thầy tuổi đời ngày một già thêm, sức khỏe ngày một yếu thêm, đường sá thì xa xôi quá, việc đi lại ngày một khó khăn hơn, có được những cuộc gặp gỡ đông vui như thế này lại càng là quá hiếm hoi và càng ngày càng xa dần, xa dần trong cảm hoài, mong đợi.
          Thưa quý vị và các em yêu quý, nhà thơ Chế Lan Viên có câu: "Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con" câu đó theo suốt với các thầy đã 40 năm rồi và còn mãi mãi. Trước lúc chia tay xin thân ái chào tất cả, với thẳm sâu lòng mình mà nói với Tây Nguyên, nơi ta đã một thời cùng nhau chia cơm, chia lửa, rằng:
"khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Xin cảm ơn, chúc sức khỏe, xin chào và hẹn gặp lại. Xiết chặt tay và ôm hôn tất cả quý vị và các em thân yêu! Mong quả đất mãi mãi tròn, con người mãi mãi trẻ, mong sự gặp nhau mãi mãi hiện hữu đầm ấm như ngày hôm nay..."Ra về nhớ buổi hôm nay", tràn đầy tâm trạng, mang theo những kỉ niệm đẹp có một không hai từ đại ngàn Tây Nguyên bao la, hùng vĩ và rất đỗi thân thương, rất đỗi tự hào...
                                                                             Buôn Mê Thuột, 10/6/2012
                                                                                     Phan Trọng Tảo

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012


BÀI PHÁT BIỂU
TÓM TẮT 39 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG THIẾU  SINH QUÂN B3

Hôm nay ngày 10 tháng 6 năm 2012 tại thành phố Buôn Ma Thuột –Đăk Lăk trên cao nguyên Tây nguyên đầy nắng và lộng gió-Toàn thể cán bộ ,giáo viên,học viên trường TSQ B3 của 39 năm về trước tề tựu tại đây để hàn huyên ôn lại chặng đường từ lúc sơ khai đến sự trưởng thành của mỗi người hôm nay.
Thay mặt Ban liên lạc lâm thời hội cựu cán bộ-chiến sỹ ,giáo viên ,học viên trường TSQ B3 xin cảm ơn và chúc mừng các quý vị đại biểu đại diện cho :Lãnh đạo Trường Quân chính địa phương(B3),lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Lăk ,của Hội cựu chiến binh tỉnh ,Ban liên lạc Hội CCB chiến trường Tây Nguyên ,Đảng ủy,Ủy ban nhân đân phường Tân An ,lãnh đạo đoàn ca múa Đăk Lăk .Chúc mừng các thầy nguyên là cán bộ Ban giáo vụ,giáo viên của trường sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được nghỉ chế độ từ Hà Nội ,Nghệ An ,Hà Tỉnh và các nơi khác đã vượt qua cả ngàn cây số để về đây dự cuộc họp mặt thân mật này .
Chúc mừng các đồng chí cán bộ ,thầy giáo hiện đang công tác ,sinh sống tại các tỉnh Tây Nguyên đã theo học viên đến cùng của những năm mới giải phóng để rồi giờ đây lại được gần gũi và động viên của các em học viên thân yêu .
Chào đón và chúc mừng toàn thể học viên -những hạt giống đỏ- của những năm tháng chiến tranh ác liệt nay đã trưởng thành hiện đang công tác và sinh sống tại Thành phố ,huyện thị tại Đak Lawk ,đặc biệt là ở mãi các tỉnh bạn khác như Gia Lai,Kon Tum,Quảng Nam,Khánh Hòa,Tp Hồ Chí Minh và thân nhân(vợ,chồng,con) học viên cũng tề tựu ,quây quần tại đây để dự cuộc họp thân mật đầy ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc này .
            Kính thưa quý vị đại biểu ,đồng đội ,các em học viên thân mến
Nhìn lại chặng đường lịch sử của 39 năm về trước :Ngày 27-1-1973 Hội nghị Paris được ký kết đã chấm dứt sự can thiệp Của Mỹ đúng như lời Bác Hồ đã nói :“Đánh cho Mỹ cút
                                                                               Đánh cho ngụy nhào”
Tuy vậy cuộc chiến vẫn chưa kết thúc,vẫn còn cam go ,Đất nước chưa thống nhất nhưng ta nhất định thắng,địch nhất định thua,đào tạo bồi dưỡng thế hệ  cách mạng cho mai sau là rất cần thiết .Trên cơ sở Trường Quân chính để đào tạo ,bồi dưỡng cán bộ ,sỹ quan quân đội Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên –B3 quyết định thành lập trường mới cho lớp thanh thiếu niên các dân tộc Tây nguyên và Việt kiều Campuchia có tên D2 với ký hiệu 758.173-20…26 có nhiệm vụ học tập,rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng,có đủ năng lực trình độ là cán bộ cốt cán cho tương lai.
Học viên là những thanh thiếu niên các dân tộc Tây nguyên được tuyển chọn từ các cơ quan,đơn vị ,từ những cơ sở cách mạng,từ vùng hậu cứ,vùng giải phóng.Cán bộ-Giáo viên:là những cán bộ,chiến sỹ ,là những thầy giáo từ Miền Bắc vào đang chiến đấu từ các chiến trường điều về .
            Còn nhớ ngày đầu mới thành lập vào đầu năm 1973 ,dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên hàng trăm thanh thiếu niên được tuyển chọn tập trung .Đoàn Đăk Lăk dưới sự phụ trách của trưởng đoàn YTê –cán bộ tỉnh đội và y sỹ Quý trên ba tháng ròng rã băng rừng trèo đèo lội suối với biết bao gian khổ của mùa mưa Tây nguyên .Dốc cao,suối sâu,đường trơn,muỗi vắt,sốt rét rừng,dã thú,biệt kích ,thám báo rình rập,trên trời máy bay do thám OV10,L19 nhòm ngó ,máy bay có thể oanh tác bất cứ lúc nào ,… ấy vậy mà các đoàn đã vượt qua để đến điểm tập kết an toàn,đó là khu rừng già mang tên Kờ Poon của đất bạn Campuchia vào tháng 6 năm 1973.Tiếp đến là các đoàn từ Gia Lai,Kon Tum cũng không kém phần vất vả về đây tập trung để lập nên Trường văn hóa thiếu nhi Tây nguyên –một tên gọi thời đó của trường (D2), D2 biên chế gồm 7C.
            Chuyển biến chiến trường ngày càng có lợi cho ta,vùng giải phóng được mở rộng thì đào tạo bồi dưỡng cán bộ càng cấp bách ,điều kiện trên “Đất mẹ ”đã thuận lợi đầu năm 1974 trường được lệnh chuyển về khu vực ngã ba biên giới nay thuộc huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum .Trường lúc này đã lên tới 1000 học viên với đội ngũ cán bộ lãnh đạo,thầy giáo,chiến sỹ của các đơn vị lên đến hàng trăm người .Trên D bộ (tiểu đoàn) chỉ huy là các đ/c Lê Văn Phan , Nhâm,Dần,Nhẫn,…,giáo vụ có các thầy Xuân Cung,Phan Tiến Cung ,Phan Trọng Tảo ,…
Nhìn những mái trường khang trang to đẹp ngày nay ít ai biết được đã có một mái trường đơn sơ mái lá trung quân hoặc bằng tre nứa ,vách che bằng tre để che mưa che gió .Thiếu gạo muối phải cải thiện bằng rau rừng ,măng tre;thiếu giấy bút ,phấn viết phải thay bằng mẫu sắn khô,vỏ lá rừng;chương trình giảng dạy và giáo án là trí nhớ đã được tích lũy từ nghề của thầy .Học viên thì chênh lệch ở cả độ tuổi và trình độ ,đủ các dân tộc :Kinh,Bana,Xe đăng,Giarai,Ê đê,Mơ nông,… ở đủ ba tỉnh Tây Nguyên đầu tiên xa cơ quan ,xa nhà ,xa buôn làng nên việc quản lý ,nuôi dạy là cả một quá trình ,phải có nghiệp vụ sư phạm ,hiểu tâm lý và có tình thương ,trách nhiệm ,hòa đồng cao mới hoàn thành nhiệm vụ.Đã không ít những trường hợp học viên người dân tộc vì quá nhớ bản làng đang đêm bõ trốn làm cho cán bộ ,chiến sỹ lại đốt đuốc cắt rừng tìm kiếm đưa về .
Gian nan vất vã không sao kể xiết nhưng bù lại là lời ca tiếng hát,tiếng đàn Tơ rưng rộn ràng,tiếng giảng bài ,…râm ran những mái lá,mái lồ ô của lớp học để rồi khi kiểm tra văn hóa các em dần dần tiến bộ ,chất lượng học nâng dần ,nhiều em học giỏi .Nhìn các em ngày càng khôn lớn ,làn da sáng dần ,hồng hào,nét mặt rạng rỡ,tác phong nhanh nhẹn,hoạt bát đặc biệt ngoan ngoãn,lễ phép,… đó là sự chăm lo đặc biệt của Bộ tư lệnh B3 đã dành hết tình thương và trách nhiệm,ưu tiên từng lon gạo,hạt muối,…để các em không bị đói,dành từng tấm vải để các em có áo quần lành lặn.
            Ngoài các bác các cô chú ở Bộ tư lệnh đến thăm còn có các chú lãnh đạo ,các nhà văn,nhà thơ khi đi chiến trường cũng ghé thăm như nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định,nhà văn Nguyễn Đình Thi,nhà thơ Tế Hanh,Phạm Tiến Duật,…và phải thốt lên “thật không ngờ giữa bạt ngàn Tây Nguyên lại có mái trường như thế ”! Cũng vì vậy mà có nhiều bài thơ ,câu đối,hoạt cảnh ,… kể cả của khách thăm và của thầy trò được ứng tác ngay tại trường này như của nhà thơ Tế Hanh,của thầy Tư ,thầy Dong,… để tỏ lòng biết ơn Đảng,ý chí quyết thắng,ca ngợi nghĩa thầy trò,tình bạn.
Đầu năm 1975 từ Ngã Ba biên giới nhìn từng đoàn quân từ Bắc vào chiến trường rồi từ radio tin thắng trận dồn dập báo về 10/3 giải phóng Buôn Ma Thuột,16/3 Kon Tum,17/3 Gia Lai,… và nhất là khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng toàn trường như vỡ òa niềm hân hoan ,xúc động .Rồi được lệnh về tiếp quản trường thiếu sinh quân của chế độ cũ tại Pleiku –Gia Lai.Nhìn đoàn quân thanh thiếu niên quần áo Tô Châu chỉnh tề ,mũ tai bèo ,ba lô trên vai lên ô tô phía sau tiếng râm ran của núi rừng như reo vui vẫy chào tạm biệt đoàn quân chiến thắng về với phố thị.
            Còn nhớ dịp 30/4 và lễ 1/5/1975 thầy trò không sao chợt mắt chỉ chờ thời khắc lên đường dự mit tinh chào mừng ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng và kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5.Bữa cơm sáng được dọn từ rất sớm để còn hành quân 4km đến tận sân vận động Pleiku .Chứng kiến cảnh biển người cùng rừng cờ hoa , nghe vị chủ tịch Ủy ban quân quản phát biểu lại tận mắt được nhìn thấy Anh hùng Núp người con làm rạng rỡ núi rừng Tây Nguyên ;lòng thấy hưng phấn rộn ràng niềm vui khó tả.
Nghĩa thầy trò ,tình bạn bè đang gắn kết thì tháng 8/1975 thực hiện lệnh của Bộ tư lệnh B3 học sinh được chuyển giao về từng tỉnh để tiếp tục học tập .Đoàn Đăk Lăk thầy Phan Trọng Tảo cùng sáu thầy ,một số phục vụ cùng 200 học viên .Tiếp nhận đoàn là ông Hồ Thược lúc đó là quyền trưởng ty giáo dục  .Trường tiếp quản Trường Đại học Trung phần (Đại học Tây Nguyên ngày nay).Tại đây trường tiếp nhận thêm số học viên ở căn cứ ra và một số giáo viên lưu dung như thầy Thuận,Sơn,Cô Hóa,Mừng,Quí,Mỹ Linh,…Thầy Tảo,thầy Hùng Bộ Tư lệnh điều về giảng dạy ở Trường Quân chính (tại Dục Mỹ);thầy Tư được giao nhiệm vụ ở lại quản lý trường cùng các thầy Thuận ,Sơn,Thanh.Lúc này trường đóng ở ngã sáu và tiếp nhận thêm số học sinh Miền Nam ở Miền Bắc về ,học sinh ở Quế Lâm –Trung Quốc về nước.Có nhiều thầy cô từ Bắc vào tăng cường trong đợt này như các thầy cô : Hàm,Quế,Kim ,Tuyên,Bồng ,Vĩ;có cả cô Thái từ hậu cứ ra,thầy Y Hạ,Y Lăng từ Quế Lâm –Trung Quốc về  .Trường một lần nữa chuyển về gần Trường công nhân kỹ thuật .
            Đầu năm 1977 trường có quyết định chuyển toàn bộ số cán bộ ,giáo viên,học viên từ chế độ quân đội do Bộ tư lệnh B3 quản lý sang  chế độ dân chính .Tất cả cán bộ giáo viên được chuyển công tác thầy Tư sang trường đào tạo cán bộ thị xã Buôn Ma Thuột rồi sang Thị ủy,thầy Thanh qua đội công tác chống fulro ,thầy Thuận,Sơn ở lại ngành trở thành những cán bộ quản lý giáo dục .
Toàn bộ học viên cũng bố trí cho phù hợp :Số học viên nhỏ tuổi và có nhu cầu chuyển qua trường vừa học vừa làm (Trường Dân tộc nội trú ngày nay) ,một số được cử đi học bồi dưỡng chính trị,chuyên môn,một số vào các đội công tác chống fulro và vào các cơ quan đơn vị ,một số theo nguyện vọng về gia đình học tập .
Tại Gia lai,Kon Tum cũng tương tự học sinh được quan tâm tiếp tục học tập tại Trường nội trú tỉnh,trường nuôi dạy con em liệt sỹ ,hoặc về địa phương.
            Đến nay ,qua 39 năm các thầy đã ở tuổi lão,đã hoàn thành nhiệm vụ và được nghỉ ngơi theo chế độ trên nhiều miền của Đất nước,có thầy đã mất do tuổi cao ,bệnh hiểm nghèo như thầy Nguyễn Văn Lệ,Trần Văn Hòa ,…Học viên B3,những hạt giống đỏ từ D2 Trường thiếu sinh quân B3 ngày nào đã nảy mầm và trưởng thành trên mọi lĩnh vực,có người giữ trọng trách trong Đảng như anh Niê Y Thuật là UVTW Đảng,Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk,anh Y Pôn Phó giám đốc Sở tư pháp ,Phạm Ngọc Thái trưởng phòng TNMT Cư Mga,Lê Thị Nga (Krông Pông),Lê văn Triều,Nguyễn Thị Hồng Toan (sỹ quan CAND),… đặc biệt có Huỳnh Văn Thọ thương binh 4/4 nhưng vẫn làm kinh tế giỏi,rất nhiệt tình xây dựng Hội.
Ở Kon Tum có Nguyễn Công Huy (Huyện đội Đak Hà),Võ Văn Mẫn,Lê Hồng Hùng,Phạm văn Phú,Nguyễn Thế Hùng ;ở Gia lai có Nguyễn Xuân Đốc ,Hồ Thị Chiêu,Trần Tâm,… đều là những cán bộ quản lý trong các cơ quan Nhà nước ,sỹ quan trong quân đội hoặc doanh nhân thành đạt .Một số về địa phương tham gia công tác và làm kinh tế giỏi như Nguyễn Thanh Lâm (Kon Tum),Huỳnh Tấn Hùng ( Krông Păk).Song cũng có những học viên không được may mắn do điều kiện sức khỏe,khách quan mà gặp những khó khăn trong cuộc sống .Nhân đây tôi đề nghị Hội cần có sự quan tâm ,giúp đỡ như gia đình Phạm Ngọc Hùng (ở Krông Na –đã mất ).
            Chúng ta cũng vô cùng thương tiếc và gửi lời chia buồn đến gia đình thân nhân một số học viên đã qua đời như Nguyễn Ngọc Dũng có vợ là Nguyễn Thị Hòa cũng là học viên của trường,Phạm Ngọc Hùng (ở Krông Ana).Hội cũng đã đề nghị truy tặng Kỷ niệm chương “Chiến trường Tây Nguyên ” cho các học viên đó .
            Kính thưa quý vị đại biểu ,đồng đội ,các em học viên thân mến
Ba mươi chín năm với lịch sử thì quá ngắn nhưng với đời người thì đã quá dài ;ý tưởng thành lập Hội và các cuộc hội ngộ hôm nay đã được sự đồng thuận cao vơi niềm vui ,phấn khích của mọi người từ mọi miền Đất nước về đây :từ Hà Nội đến Tây Nguyên,Nam bộ ,nhìn những khuôn mặt đã nhốm màu thời gian so với sự ngây thơ trẻ trung của 39 năm về trước nhưng lại toát lên sự vui tươi trong ánh mắt nụ cười ,những cái bắt tay sau bao năm gặp lại không nói hết cảm xúc tận đáy lòng làm cho đường xa không còn trở ngại .
            Thật cảm động-Thật nhân văn - Thật đạo lý !Cuộc họp mặt hôm nay chúng ta còn nhiều nội dung mang ý nghĩa chính trị-xã hội như trao Kỷ niệm chương “Chiến trường Tây Nguyên ” cho các học viên,bàn quy ước của Hội để mong được gần nhau hơn và động viên giúp đỡ nhau .Rất mong được sự quan tâm nhiệt tình tham gia của mọi người .
            Kính thưa quý vị đại biểu ,đồng đội ,các em học viên thân mến
Vui là vậy ,tự hào là vậy song sẽ được trọn vẹn hơn khi được sự quan tâm đúng mức của các tổ chức chính trị xã hội-Vì trong niềm vui quá lớn khi Miền Nam được giải phóng Đất nước thống nhất với biết bao bề bộn thời hậu chiến cần được giải quyết ,thầy trò chúng tôi về các tỉnh chỉ một chủ trương chung giao cho các tỉnh rồi sau đó được phân cấp ,phân nhiệm vụ mà không có quyết định riêng vì vậy trong quân ngũ mà không có quyết định là quân nhân,học viên tham gia kháng chiến lúc còn nhỏ nhưng cũng không một mảnh giấy để chứng minh.Sự thiệt thòi này chỉ được bù đắp khi các cấp lảnh đạo và cơ quan chức năng biết đến và có biện pháp giải quyết thích hợp.
Kính thưa quý vị đại biểu ,đồng đội ,các em học viên thân mến
Cuộc gặp mặt thân mật hôm nay đã làm thỏa lòng thầy trò của bạn bè sau gần 40 năm xa cách.Sự cố gắng của Ban liên lạc và sự tích cực của nhiều hội viên đóng góp những cũng không tránh khỏi những hạn chế rất mong được sự cảm thông .Hẹn gặp lại lần sau đông vui hơn,hoành tráng hơn.
Chúc quý vị đại biểu sức khỏe chúc các thầy giáo và toàn thể cựu học viên và gia đình mạnh khỏe,hạnh phúc,thành đạt .
Nguyễn Văn Tư

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Về lại ĐăkLăk-Gia Lai-Kon Tum


Anh Phan Xuân Trường và thầy Cung,thầy Tiến ,cô Chiêu
Những ngày ngắn ngủi trở lại chiến trường xưa ,dù lịch trình khá dày song quý thầy trong đoàn được học sinh đưa tham quan một số cảnh quan nơi đây.
Từ Buôn Mê Thuột đến Bản Đôn xem voi ,đi cầu treo vắt ngang dòng Xêrepoc thật ngoạn mục-Tiếc là thời gian gấp quá vì đến Buôn Đôn mà chưa cửi voi .Ngược đường 14 đoàn đi thăm Kon Tum -Thành phố trên bờ sông ĐăkLa thơ mộng ,thăm cửa khẩu Bờ Y ,thị trấn Tân Cảnh nơi vừa kỷ niệm bốn mươi năm chiến dịch ĐakTo-Tân Cảnh .Về Gia Lai đoàn đến thăm nơi 37 năm về trước trường về tiếp quản Trường thiếu sinh quân Cao Nguyên của chế độ cũ ,giờ chỉ còn dấu tích hai trụ cổng bằng bê tông.Cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn không ai nhận ra nơi đây  .Vội vàng ghi lại hình ảnh chốn cũ bốn thầy trò cùng xuống xe chụp vội mấy tấm hình để làm kỷ niệm sợ mai này có quay lại thì cảnh xưa có thể sẽ không còn nữa.
Đến YaLy thăm nhà máy thủy điện trên dòng Sê San thật kỳ vỹ ,tự hào về trình độ xây dựng của ngành điện Việt Nam .Nghe nhiều nhưng một lần đến tận mắt thấy những tua bin trong hầm máy chạy mới thấy quả là một kỳ công 

Cổng trường Trường thiếu sinh quân Cao Nguyên(cũ)
Thăm thủy điện Yaly




Chụp trước các tổ máy


KS Tre Xanh Plaza

Pleiku









.

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

 Kính chào quý  thầy cô,cán bộ ,các bạn đồng đội trường thiếu sinh quân B3
Kính chào các quý khách viếng thăm Blog,
Đây là Blog của các anh, chị, em cựu học viên
trường  (1972-1976)ra mắt kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường
.Ở đây, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau các thông tin mang tính nội bộ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm khi các thông tin này được trích dẫn hoặc đăng tải ở nơi khác dưới mọi hình thức.
Nay kính báo.

Ban biên tập Blog
thieusinhquanb3

 KHÁI QUÁT VỀ TRƯỜNG 

 Trường Quân chính B3 Tây Nguyên  trực thuộc Mặt trận Tây nguyên do Bộ tư lệnh Mặt trận Tây nguyên quản lý và chỉ huy ,trường gồm 2 phân hiệu D1 và D2.
D2 là trường thiếu sinh quân B3 được thành lập  năm 1972 .Sau khi Hiệp định Paris được ký kết trường tập kết con em các dân tộc Tây nguyên ở vùng giải phóng và một số con em Việt kiều Campuchia ,con em của các cán bộ cách mạng trong vùng tạm chiếm đưa về để nuôi dạy,đào tạo.
Trường được biên chế như biên chế của quân đội  ,gồm 7 đại đội (7C)  ,mỗi C có đại đội trưởng ,chính trị viên, mỗi B do một sỹ quan làm B trưởng ,mỗi lớp được biên chế vào các tiểu đội (A).
Thời gian đầu trường đóng tại vùng rừng núi Kờpoor(Campuchia),đến cuối năm 1974 chuyển về đóng ở vùng ngã ba biên giới .
Hiệu trưởng là thiếu tá Lê Văn Phan,Chính trị viên là Nguyễn Công Chất .
Tháng 4/1975 Miền Nam hoàn toàn giải phóng trường được lệnh về tiếp quản Trường Thiếu sinh quân Cao nguyên của chế độ cũ tại thị xã Pleiku .Sau đó học sinh được chuyển về các tỉnh sát nhập với số học sinh miền nam từ Bắc chuyển vào để tiếp tục học tập .